Tài nguyên đất Thái Bình


Đất đai Thái Bình được hình thành về cơ bản là do sự bồi đắp phù sa của hệ thống sông lớn: Sông Hồng, sông Trà Lý (1 chỉ lưu của sông Hồng), sông Luộc (cũng là một chi nhánh của sông Hồng), sông Thái Bình.

Sự bồi tụ được tiến hành từ từ trong thời gian dài, tạo ra một châu thổ khá bằng phẳng, độ cao trên dưới 2m so với mực nước biển. Đất là tổng hợp các yếu tố tự nhiên: Địa chất, địa hình, khí hậu, thủy văn, các loài sinh vật (thực vật) và có sự tác động tích cực của con người. Đất Thái Bình được thành tạo từ các trầm tích phù sa cổ, phù sa mới và xác các loài thực vật trôi dạt từ thượng nguồn về, cây cối mọc lên hình thành sự trao đổi chất hai chiều giữa cây và đất. Đất cung cấp cho cây nguồn dinh dưỡng khoáng, cây sau một thời gian sinh trưởng, chu kỳ sống thì trả lại cho đất xác của chúng, làm cho đất ngày càng màu mỡ.

Khí hậu nhiệt đới ẩm, làm cho quá trình phong hóa trong lưu vực diễn ra mạnh. Mưa tập trung theo mùa mang theo khối lượng phù sa lớn từ thượng nguồn về bồi tụ cho đồng bằng Thái Bình. Sự nóng, ẩm, mưa nhiều, mực nước ngầm cao làm cho quá trình phân hủy chất hữu cơ mạnh, tạo thêm độ phì cho đất.

Bàn tay và sức lao động sáng tạo của con người đã cải tạo đất bằng nhiều biện pháp khác nhau: (Thủy lợi, chọn đối tượng trồng trọt phù hợp với từng loại đất) thâm canh.. làm cho tính chất hóa lý của đất được cải thiện, dẫn đến mùa màng bội thu.

Trong qua trình bồi tụ, tuy nói là địa hình Thái Bình bằng phẳng, song thực vật phù sa bồi tụ tạo nên địa hình chỗ cao, chỗ thấp khác nhau, sự chênh lệch độ cao của các vùng không lớn. Các vùng có độ cao từ 0,3m hoặc thấp hơn đã hình thành các vùng ngập nước quanh năm, những vùng này đất bị yếm khí. Các khoáng chất có trong đất: Fe, Mg bị khử ôxy, tan và chảy theo dòng nước rồi tụ lại thành tầng gley trong đất. Diện tích này chiếm tỷ lệ không nhiều.

Vùng đất ven biển chịu tác động của thủy triều, nước mặn thường thâm nhập vào đất liền thông qua các cửa sông, cửa cống tiêu nước, làm cho đất bị nhiễm mặn. Vùng này bao gồm các xã ven biển của hai huyện Thái Thụy và Tiền Hải. Nếu đào sâu xuống khoảng 1-3m, thường gặp nước hơi mặn (nước lợ).

* Các loại đất


Quy luật bồi đắp và tác động của con người làm cho đất Thái Bình phân hóa ra các loại sau:
- Đất phù sa trung tính không được bồi đắp hàng năm: Phân bố ở các huyện Hưng Hà, Quỳnh Phụ, Đông Hưng, Vũ Thư. Phần lớn ở độ cao 1-2m, thoát ảnh hưởng của thủy triều do hệ thống thủy lợi tốt và nước ngọt từ các sông đưa về, ngăn chặn mặt ngầm. Đất có thành phần cơ giới từ thịt trung bình đến nặng, có màu nâu đỏ, phản ứng pH 4,5-5. Đây là loại đất có dinh dưỡng khá. Chế độ nước ngầm tầng nông tương đối ổn định, ít bị nhiễm mặn.
- Đất nhiễm mặn ít: Kéo dài thành dải ven biển của các huyện Thái Thụy, Tiền Hải. Độ mặn chính ở đây do ảnh hưởng của nước biển ngầm và kênh rạch ven biển. Mức độ nhiễm mặn thay đổi theo mùa lũ - cạn, ở các độ sâu khác nhau. Nhưng phần lớn nước ngầm tầng nông bị nhiễm mặn. Một phần mặn do hơi nước từ biển đưa vào cũng làm mặn ngay từ bề mặt. Đất mặn có hàm lượng hữu cơ cao, dinh dưỡng khá. Tuy nhiên, độ mặn là yếu tố khống chế sản xuất. Đất thường chưa ổn định, phân tầng chưa rõ rệt, thường có tầng hữu cơ là xác thực vật.
- Đất nhiễm mặn nhiều: Là các loại đất có độ muối trên 0.5%, màu xám thường bị gley mạnh. Mực nước ngầm cao và thường nhiễm mặn ngay từ bề mặt. Chúng phân bố ở ven biển và các cửa sông, các đầm nuôi thủy sản, bãi triều. Thông thường nền nước ngọt ở đây dưới 50m.
- Đất cát: Các cồn cát trong đất liền có tuổi Q³IV và cồn ngoài bãi triều mới hình thành. Cồn cát cao và thô, nước mặn ảnh hưởng rất ít đến tầng mặt. Đất ở đây thường nghèo dinh dưỡng, hơi chua. Tùy thuộc vào độ cao mà đất cát biển cũng phân hóa ra loại đất cát đã được ngọt hóa và loại nhiễm mặn. Các cồn cát cao trong nội địa đã được ngọt hóa và đất không bị nhiễm mặn, là đất thổ cư và trồng hoa màu vào mùa khô. Đất thường không chứa lớp xác thực vật bên dưới.

Đi sâu vào tìm hiểu về các loại đất của Thái Bình có các loại:
- Đất ven biển
- Đất mặn và chua mặn
- Đất ngoài đê
- Đất nội đồng không nhiễm mặn

Đất ven biển

Đất ven biển chia thành 2 loại:

Đất ven biển và cửa sông: Diện tích khoảng 120ha, nằm dọc theo bờ biển từ cửa sông Hồng đến cửa sông Thái Bình. Đây là diện tích phù sa mới được bồi đắp. Mặt đất phẳng, dốc thoải ra phía biển, trơ trọi, độ cao 25-30cm. Các bãi này thường là cát nhiễm mặn, hạt mịn. Hiện nay, các bãi này đã được trồng trọt một số cây ngập mặn để tạo điều kiện cho phù sa lắng đọng và chắn sóng biển, bảo vệ đê điều.

Cồn cát ven biển: Các cồn cát này được hình thành do được bồi tụ sớm hơn vùng bãi. Tác động của sóng, gió đưa cát từ phía biển vào bờ, tích tụ lại, dần dần dồn lại thành cồn cao. Các cồn cát này có khoảng 100ha, tập trung ở các xã Thụy Lương, Thụy Hải, Thái Đô (Thái Thụy), Đông Hoàng, Đông Long (Tiền Hải)

Đất mặn và chua mặn

Loại đất này gồm nhiều loại, căn cứ vào độ chua, độ mặn, có thể chia ra thành các loại:

Đất mặn: Là đất nằm ngoài đê biển và vùng phục cận trong đê. Đất này được bồi đắp do phù sa mịn tạo thành các vùng đất thịt nhẹ (bao gồm các vùng muối, bãi lầy trồng sú vẹt). Diện tích khoảng 200ha.

Đất nhiễm mặn: Khoảng 1.373,5ha, chiếm 1,25 diện tích đất tự nhiên toàn tỉnh. Loại đất này chủ yếu ở các cửa sông và bãi bồi gần cửa sông. Huyện Thái Thụy, có 854,6ha. Tiền Hải có 518,8ha. Các diện tích đất nhiễm mặn thường nằm ngoài đê, do ảnh hưởng của thủy triều theo các cửa sông tràn vào gây nên. Diện tích này thường chỉ canh tác một vụ. Mùa khô hanh nước sông thấp, nước biển ngấm sâu, khi nước bốc hơi, một lượng muối nổi lên mặt đất. Mùa mưa, các con sông dâng cao, dòng chảy mạnh, phần nào lấn át thủy triều; Đồng thời nước sông dâng cao lên đã rửa mặn cho đất, vì thế có thể trồng cấy được vào vụ mùa. Loại đất này là phù sa mới được bồi tụ có độ pH từ trung tính đến kiềm yếu. Thành phần cơ giới của đất là hạt, có kích thước từ 0,02-0,2mm.

Đất mặn do ảnh hưởng của mạch nước ngầm: Chiếm 2.977,5ha, bằng 2,7% tổng số đất tự nhiên của tỉnh. Loại đất này thường ở nơi thấp (độ cao từ 0,25-0,50m). Nguyên nhân gây mặn là do mạch nước ngầm ở độ sâu 0,8-1m(tầng cát) gây nên, loại đất này có nhiều ở huyện Tiền Hải. Nồng độ Ca trong đất vào khoảng 0,1-0,2%, tổng số muối tan khoảng 3%. Lượng muối này thay đổi theo mùa. Mùa khô hanh, lượng muối trong đất tăng, mùa mưa lượng muối trong đất giảm.

Đất ít mặn

Diện tích khá lớn, khoảng 13.290,0ha (chiếm12,36% diện tích toàn tỉnh). Đất này có ở các huyện Tiền Hải, Thái Thụy, Đông Hưng, Kiến Xương, Quỳnh Phụ. Đó là loại đất trước kia cũng bị nhiễm mặn nhưng do quá trình canh tác, cải tạo lâu ngày, độ mặn giảm. Hơn nữa, biển lùi xa dần nên sức thẩm thấu của nước biển yếu đi, các mạch nước ngầm từ phía đất liền đẩy nước mặn do quá trình bồi đắp còn tồn đọng ra phía biển làm cho độ mặn giảm đáng kể.

Một nguyên nhân nữa khiến cho độ mặn ở vùng này giảm là do nước mặn (nước mưa, nước thải trong canh tác nông nghiệp) theo các hệ thống thủy lợi tiêu chảy ra biển.
Đất mặn chua
Chiếm diện tích nhỏ, khoảng 918.8ha, nằm rải rác ở các địa phương ven biển thuộc Thái Thụy, Tiền Hải... Loại đất này có độ mặn và độ chua cao là do nguyên nhân chúng nằm sát chân đê biển thường xuyên ngập nước, chịu sự thẩm thấu của nước biển, đồng thời do quá trình rửa trôi ở các vùng khác đem về, đọng lại ở đây.

Đất chua mặn
Chiếm diện tích tương đối lớn 16.942ha chiếm 15.65% diện tích toàn tỉnh. Chia làm hai loại: Loại thường xuyên có nước (12.554ha) nằm ở bắc Thái Thụy, Đông Hưng, Quỳnh Phụ, Tiền Hải và loại khô hạn (4.388ha) ở Thái Thụy, Quỳnh Phụ nằm rải rác và xen kẽ với vùng thường xuyên có nước. Hiện tượng gley, chua mặn ở vùng đất này rất phức tạp. Tầng đất sâu dưới 1m chứa xác các loài thực vật chua mặn phân hủy (sú vẹt). Phía bắc Thái Thụy và phía đông nam Quỳnh Phụ do phù sa sông Hóa và sông Thái Bình bồi đắp, lượng phù sa ít, ảnh hưởng của thủy triều vào sâu hơn làm đất chua mặn. Loại đất này hình thành một dải theo hướng tây bắc - đông nam làm thành ranh giới giữa đất mặn và không mặn. Quá trình canh tác làm độ mặn giảm đi nhưng độ chua lại tăng lên.

Đất ngoài đê

Đây là loại đất phù sa được bồi đắp hàng năm, nằm rải rác ven sông Hồng, sông Luộc, sông Trà Lý và sông Hóa. Loại đất này có diện tích rộng lớn, phân bố không liên tục, tùy thuộc vào hướng dòng chảy của sông. Đất có độ kiềm yếu, có khoảng 3.133ha và 422ha đất phù sa được bồi do lũ dâng cao của các con sông.
Ngoài đất ven các con sông lớn, Thái Bình còn có đất cát sa bồi Ngoài sông, hình thành nên các bãi trên sông, thường bị ngập trong mùa lũ và nổi lên trong mùa cạn. Diện tích loại đất bãi này có thể thay đổi hàng năm, có nơi bị dòng chảy của sông xói vào gây lở đất.
Đất có thành phần cơ giới nhẹ (cát và cát pha), có dộ pH trung bình.

Đất nội đồng không nhiễm mặn

Đất nội đồng không nhiễm mặn chiếm diện tích rộng, phân bố ở phần phía tây tỉnh Thái Bình, chủ yếu là các huyện Hưng Hà,Vũ Thư, phần lớn huyện Đông Hưng, Kiến Xương, một phần Quỳnh Phụ. Đây là đất phù sa không được bồi đắp hàng năm, bị biến đổi do quá trình canh tác. Tùy theo sự cao thấp và quá trình khai thác mà mức độ biến đổi của đất khác nhau. Nhìn chung đất được sử dụng chủ yếu để trồng lúa, nên thường xuyên có mức độ gley từ yếu đến mạnh.

Đất phù sa không được bồi, không gley hoặc gley yếu, chua chiếm 1 diện tích khá rộng, 5,197ha, bằng 4,3% tổng số đất canh tác của Thái Bình; Nằm xen kẽ với các loại đất khác không thành vùng tập trung. Loại đất này còn có Hưng Hà, Vũ Thư và Quỳnh Phụ.

Loại đất trên thường có ở vùng thấp hoặc ở vùng cao bị rửa trôi. Tầng phù sa mỏng thường là 40-60cm. Phía dưới là cát, xen lẫn xác sú vẹt. Sự phân giải xác thực vật tạo thành acid hữu cơ làm cho đất chua. Độ chua càng xuống sâu càng giảm. Nguyên nhân nữa làm cho đất chua là quá trình canh tác không hợp lý, đất bị xói mòn, rửa trôi. Phía đông Bắc tỉnh: Quỳnh Phụ, Thái Thụy ảnh hưởng của phù sa sông Thái Bình; Vùng này có phản ứng chua; Song nhìn chung đất có độ phì cao, giàu mùn, đạm, lượng kali khá tốt, đất tốt.
Đất phù sa không bồi, gley trung bình hoặc mạnh chiếm diện tích 41.704ha, bằng 38.4% đất tự nhiên của Thái Bình. Loại đất này có ở Quỳnh Phụ, Hưng Hà,Vũ Thư, Đông Hưng và rải rác ở 1 số nơi khác.

Tính chất, mức độ gley và độ nông sâu của gley cũng phức tạp. Có khi gley trên mặt, ở độ sâu 40-100cm gley diễn ra mạnh hơn. Các lớp đất trên chủ yếu do phù sa được bồi bởi những trận vỡ đê gần đây. Qua trận vỡ đê năm 1945, phù sa được bồi dày 30-40cm ở phía tây nam Hưng Hà và một số xã thuộc huyện Vũ Thư. Mức gley của đất Thái Bình không trầm trọng bởi vì phần lớn phù sa bồi của tỉnh là do hệ thống sông Hồng, do địa hình hơi dốc về phía biển và có hệ thống sông ngòi chằng chịt, thuận lợi cho việc thoát nước, cộng với kinh nghiệm canh tác của người dân (vụ khô hanh, đất được phơi ải, mùa mưa, đất được cày và ngâm nước.

Tài nguyên đất và hiện trạng sử dụng

Sản phẩm chính của Thái Bình là lúa gạo, hoa màu, thủy hải sản... Vì vậy đất là tài nguyên quý giá của tỉnh và là nguồn sinh sống của người nông dân. Là một tỉnh đã tận dụng mọi diện tích đất bình quân đầu người thấp (đất chật, người đông), vì thế nông dân Thái Bình đã tận dụng mọi diện tích đất đai hiện có thể phục vụ việc canh tác tạo ra sản phẩm nhằm duy trì và nâng cao đời sống.

Theo số liệu của Cục Thống kê năm 2000, diện tích đất tự nhiên Thái Bình là 154,224%ha, đất nông nghiệp là 96,567ha chiếm 62,6% diện tích đất tự nhiên của tỉnh. Dân số 1.801.000 người bình quân gần 12 người sống trên 1ha canh tác.

Diện tích đất tự nhiên của Thái Bình có tăng, song diện tích canh tác có xu hướng giảm,. Thay vào đó là việc tăng hệ số sử dụng đất nông nghiệp, toàn bộ đất nông nghiệp được canh tác 2-3 vụ/năm, không còn diện tích chỉ cấy 1 vụ như thời Pháp thuộc (1890).

Phân theo thành phần quản lý và sử dụng:
- Các hộ gia đình, cá nhân: 67,47% diện tích đất tự nhiên, trong đó có 88,22% quỹ đất nông nghiệp của tỉnh.
- Các tổ chức kinh tế: 0.58%
- UBND xã: 31,17% tổng diện tích toàn tỉnh.

Đất nông nghiệp của tỉnh tuy chỉ có 96,567ha, bình quân trên đầu người thấp, nhưng do có nhiều kinh nghiệm sản xuất và áp dụng khoa học - kỹ thuật tiên tiến trong nông nghiệp nên sản lượng lương thực ngày một tăng: Năm 1976 đạt 6 tấn/ha, năm 1985 đạt 7 tấn/ha, năm 1989 đạt 8 tấn/ha

Diện tích trồng màu có 6.398ha, nhưng trồng xen canh, tăng vụ ngày càng nhiều, tạo ra nhiều sản phẩm đáp ứng nhu cầu của nhân dân trong tỉnh và các tỉnh lân cận.

Phần diện tích bố trí trồng các cây công nghiệp ngắn ngày (đay, mía, cói, dâu tằm, thuốc lào, thuốc lá, cây tinh dầu và dược liệu... cũng có xu hướng tăng.

Bên cạnh cây lúa, hoa màu, cây công nghiệp còn có những cây ăn quả như cam, quýt vải chanh nhãn, táo... được trồng nhỏ lẻ trong vườn hộ gia đình.

Đất lâm nghiệp toàn tỉnh chỉ có 2.560ha ở ven biển Thái Thụy, Tiền Hải. Rừng trên diện tích này không nhiều, một vài nơi có sú vẹt dưới bãi triều hoặc phi lao trên bờ cao. Việc bảo vệ và phát triển rừng trên diện tích này là nhiệm vụ quan trọng góp phần cố định phù sa, mở rộng diện tích tự nhiên của tỉnh.

Tổng diện tích mặt nước ao hồ gần 6.748ha. Ao hồ nằm rải rác, xen kẽ với các khu dân cư, mỗi ao có diện tích không lớn (khoảng 200-300m2). Những năm gần đây, người nông dân đã chú ý cải tạo ao hồ theo hướng trang trại để nuôi tôm cá, bước đầu đã có tín hiệu khả quan.

Theo điều tra gần đây, việc sử dụng đất canh tác của Thái Bình được phân bổ như sau:
- Thành phố Thái Bình: 2.424ha
- Huyện Quỳnh Phụ: 13.584ha
- Huyện Hưng Hà: 13.223ha
- Huyện Đông Hưng: 13.831ha
- Huyện Vũ Thư: 12.083ha
- Huyện Kiến Xương: 13.870ha
- Huyện Tiền Hải: 12.746ha
- Huyện Thái Thụy: 15.015ha


Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More