Trọng Thành, phỏng vấn GS Võ Tòng Xuân
Đặc điểm quan trọng của đồng bằng Cửu Long là phù sa tiếp tục được đưa từ thượng nguồn xuống các cửa sông. Phù sa đi từ Vân Nam – Trung Quốc, rồi qua Lào. Nhất là những lúc mưa to và bão tố, rừng trên Vân Nam, và đặc biệt là bên Lào và dọc theo Trường Sơn, phù sa chảy xuống rất nhiều.
Đồng bằng châu thổ sông Cửu Long không chỉ là « vựa lúa » của Việt Nam mà còn của cả khu vực, với lượng gạo xuất khẩu hàng đầu thế giới. Đất đồng bằng Cửu Long có những đặc điểm gì ? Các phương thức canh tác tại khu vực này thay đổi như thế nào trong thời gian gần đây ? Làm thế nào để khai thác đất hiệu quả nhất mà chất lượng của đất không bị suy giảm ?
Đời sống nhân loại từ bao đời nay gắn liền với đất. Các nguồn lương thực thực phẩm chủ yếu đến từ đất. Đất chỉ chiếm khoảng một phần ba diện tích bề mặt hành tinh của chúng ta, và diện tích đất trồng trọt được còn nhỏ hơn rất nhiều. So với toàn bộ khối lượng của hành tinh, mặt đất hết sức mỏng, từ vài centimét đến hàng chục mét, tùy theo từng khu vực. Tuy nhiên, chính trên cái nền « mỏng manh » ấy mà đời sống của con người và một bộ phận lớn sinh giới phát triển. Trong những thế kỷ công nghiệp hóa mãnh liệt vừa qua, ở rất nhiều nơi đất đã trở thành một tài nguyên được khai thác một cách triệt để, thậm chí bị vắt kiệt, bên cạnh đó có rất nhiều nguy cơ đe dọa diện tích và chất lượng của đất trồng và đất rừng. Một câu hỏi ngày càng được đặt ra khẩn thiết là : liệu với một diện tích hữu hạn, đất trên bề mặt địa cầu có đủ sức nuôi sống nổi 9 tỷ người trong tương lai hay không ?
Tạp chí Khoa học của chúng tôi hôm nay hướng cái nhìn về mảnh đất đồng bằng châu thổ sông Mê Kông, khu vực Cửu Long, Nam Bộ – Việt Nam, mảnh đất này không chỉ là « vựa lúa » của Việt Nam mà còn của cả khu vực, bởi lượng gạo xuất khẩu từ đây được coi là đứng hàng nhất nhì trên thế giới. Đất đồng bằng Cửu Long có những đặc điểm gì ? Các phương thức canh tác tại đây thay đổi như thế nào trong thời gian gần đây ? Và đặc biệt là vấn đề ngày càng được các nhà khoa học và những người làm nông quan tâm là : làm thế nào để có thể khai thác đất một cách hiệu quả nhất trong khi vẫn bảo vệ được chất lượng của đất.
Dưới đây là phân tích của Giáo sư Võ Tòng Xuân, nguyên hiệu trưởng trường Đại học An Giang, người đã có hàng chục năm gắn bó với cây lúa, với đất đai đồng bằng Cửu Long.
RFI : Xin thân chào giáo sư Võ Tòng Xuân. Trước hết, xin giáo sư cho thính giả biết về một số đặc đểm chính về của đất đai đồng bằng sông Cửu Long. Đồng bằng Cửu Long có những loại đất nào, đặc điểm và quá trình hình thành của chúng ra sao ?
Võ Tòng Xuân : Theo các nhà địa chất học, khoảng 10.000 năm trước, bờ biển nằm tuốt phía biên giới với Campuchia bây giờ. Đồng bằng sông Cửu Long đã trải qua hàng trăm đợt biển dâng, rồi biển lùi. Mỗi khi trải qua sự thay đổi của mực nước biển, thì chúng ta có một bờ biển mới. Giữa hai bờ biển, khi nó trở thành bờ biển cũ rồi, thì trở thành « giồng ». Xem trên hình ảnh vệ tinh, thì thấy hàng trăm giồng đất hình cung, song song với bờ biển hiện tại của mình hiện nay. Giữa hai giồng cát đó là đất phèn, ở trên là đất cát. Lài lài ra xa, thì mình có đất phù sa.
Có đất xám phù sa cổ nằm ngay sát với Campuchia hiện nay. Rồi, giữa các giồng cát là những dải đất phèn rất lớn. Dọc theo sông Cửu Long, chúng ta có đất phù sa. Nhưng chạy ra tới bờ biển, phù sa sông Cửu Long bị đẩy ra ngoài, rồi theo các dòng hải lưu trở vô, vì thế mình có đất phù sa nhiễm mặn. Cũng có những vùng trước kia, sú, vẹt, tràm, các loại thực vật tập trung rất nhiều, nhưng không có nhiều phù sa đổ lên, ở đây là đất than bùn. Đây là loại đất thứ năm rất là quan trọng của đồng bằng sông Cửu Long.
Đặc điểm quan trọng của đồng bằng Cửu Long là phù sa tiếp tục được đưa từ thượng nguồn xuống các cửa sông. Phù sa đi từ Vân Nam – Trung Quốc, rồi qua Lào. Nhất là những lúc mưa to và bão tố, rừng trên Vân Nam, và đặc biệt là bên Lào và dọc theo Trường Sơn, phù sa chảy xuống rất nhiều. Khi đi qua Campuchia rồi đến Việt Nam, thì dòng chảy phải đổi rất nhiều, do ảnh hưởng của lối sống của người dân. Chúng ta có rất nhiều cồn, đó thực ra là phù sa đóng đống lên đó. Cuối cùng các cồn này tiến ra cửa sông. Hiện nay, mình nói Cửu Long, tức 9 con rồng, nhưng thực sự chỉ còn 7 thôi, vì hai con sông đã bị lấp.
RFI : Thưa giáo sư, có thể nói là biến đổi của đồng bằng Cửu Long rất là mạnh, nhưng sự tồn tại của nó cũng tương đối mong manh, vì nó phụ thuộc vào một lượng đất đến từ nơi khác.
Võ Tòng Xuân : Đúng như thế, nó tiếp tục thay đổi. Thứ nhất là do những tác động của con người trên thượng nguồn, và thứ hai là tác động của con người ở đồng bằng sông Cửu Long. Ví dụ như khi người ta muốn làm ba vụ lúa một năm, thì người ta phải đắp đập và đê cao lên, thì những điều này ngăn lượng phù sa vô. Bên cạnh đó, bờ biển Nam Bộ hiện nay vẫn tiếp tục thay đổi. Một năm có thể đồng bằng lấn ra biển 20 đến 30 mét.
RFI : Trên mảnh đất, biến động như vậy và năng động như vậy, người ở đồng bằng Cửu Long đã khai thác như thế nào, xin giáo sư cho biết một số nét chính ?
Võ Tòng Xuân : Cho đến nay, có hai hoạt động lớn nhất. Thứ nhất là, về mặt thủy lợi, mình thực hiện căn cứ trên tài nguyên nước mà mình đang có, thiết kế lại những hệ thống để dẫn nước, hoặc tháo nước. Đây có thể nói đặc điểm riêng của đồng bằng sông Cửu Long, mà không phải chỗ nào cũng làm được. Cái thủy lợi này giúp cho mình tránh được lũ rất nhiều, cũng như là giúp cho mình tưới được nước những khi khô hạn. Gắn liền với nó là yếu tố thứ hai, giống cây trồng.
Xưa kia, ông bà chúng ta sống dựa vào thiên nhiên, vào mùa khô, ông bà mình gần như không trồng lúa. Qua tới mùa mưa thì mới trồng. Nhưng do chế độ ngập khác nhau tùy theo vùng. Tại vùng gần Campuchia, có thể ngập từ một mét rưỡi đến hai mét. Cây lúa thường không trồng được. Thành ra, với sự thanh lọc của thiên nhiên, ông bà mình chọn lại giống lúa vượt theo mực nước, dân gian gọi là « lúa nổi ». Đó là giống lúa có gen « vươn lóng », có nghĩa là lòng giữa hai đốt lúa có thể vươn lên. Khi nước giựt, lúa nằm xuống theo hướng nước giựt. Nhưng khi thu hoạch chỉ được một tấn thôi, và phải tốn đến 7 tháng, ông bà mình mới thu hoạch được một tấn lúa. Rồi bên cạnh phía dưới của vùng lúa nổi, trước khi đến vùng nhiễm mặn, là vùng ngập vừa. Ngập vừa là vùng bị ngập tối đa là 80 centimét. Nhưng khi ngập, nó ngập rất nhanh, nên ông bà mình chế ra kỹ thuật cấy lúa hai lần. Lần thứ nhất là làm mạ bình thường, rồi cấy xuống, để cho cây lúa lên tới một mét. Lúc đó, đất ngoài ruộng đã ngập lênh láng khoảng 80 centimét, thì người ta bứng lấy cây lúa một mét này để cấy lại ngoài xa.
Khi chúng ta có được giống lúa mới, rất ngắn ngày, không bị ảnh hưởng bởi « quang kỳ », tức là ngày ngắn, ngày dài, thì lúc này nông dân có thể trồng bất cứ lúc nào cũng được. Mình thu hoạch lúa trước khi nước lên. Khi nước lên, mình gặt được một vụ rồi, nhưng khi nước xuống, không lẽ mình ngồi không. Mình có thể làm thêm một vụ nữa, để khắc phục điều này, cần phải làm thủy lợi. Đó là lý do của sự ra đời của hệ thống thủy lợi hiện nay.
Vụ đông xuân : nước vừa giựt xuống, thì mình gieo lóng, khi thiếu nước thì bơm nước vô, đến tháng 2 thì mình thu hoạch. Lúc này, ánh sáng rất là chói chang, dồi dào, với đất phù sa vừa từ trên thượng nguồn xuống, nên năng suất vụ đông xuân là cao nhất, có thể nói là cao hơn các đồng bằng khác trên thế giới. Tôi đi hết các đồng bằng rồi, tôi thấy. Mình có thể đạt được 8, 9 tấn, có nơi đến 10 tấn/ha. Sau khi thu hoạch rồi, bà con để đất nghỉ khoảng 2 tháng, đến giữa hoặc cuối tháng 4 là vụ lúa hè thu, khi mưa mới đổ xuống. Khi lúa mùa này chín, thì lũ trên thượng nguồn đổ về.
Về mặt kỹ thuật, các nhà khoa học Việt Nam đã thiết kế ra một hệ thống, để bà con nông dân có thể chuyển từ một vụ lúa một tấn, hai tấn rưỡi, trở thành một vùng trồng được hai vụ, mà nếu trồng tốt có thể được đến 14, 15 tấn. Ở đây có một số vùng đạt được năng suất này, như huyện Tân Hiệp của tỉnh Kiên Giang, họ chỉ dứt khoát làm hai vụ, dưới sự chỉ đạo của ngành nông nghiệp và với sự khuyến khích của các linh mục, vì đây là vùng di cư, đồng bào Công giáo rất nghe lời các vị lãnh đạo tinh thần.
RFI : Thưa giáo sư, như thế là giáo sư vừa mô tả rất ngắn gọn, nhưng rất rõ sự chuyến biến từ một lối canh tác gần như hoàn toàn dựa vào tự nhiên, đến một canh tác phối hợp được một số ưu điểm của truyền thống, với các thành quả của cuộc cách mạng về kỹ thuật và khoa học hiện nay, để dẫn đến kết quả là năng suất tại đồng bằng sông Cửu Long rất cao. Hiện nay, ở trên thế giới, có một quan niệm mà nhiều người trong giới khoa học nông nghiệp quốc tế nói đến, tức là một nền « nông nghiệp sinh thái năng suất cao và bền vững », tức là để phân biệt với nông nghiệp năng suất cao, nhưng làm đất cạn kiệt và suy thoái. Một nền nông nghiệp như vậy có tồn tại tại đồng bằng Cửu Long không, thưa giáo sư ?
Võ Tòng Xuân : Nông nghiệp sinh thái, hiện nay, cũng đang thực hiện. Nhưng dĩ nhiên là nó đan xen với kiểu canh tác cũ. Bởi vì ở một số địa phương, các lãnh đạo muốn có nhiều lúa. Khi thấy thừa nước, mà làm hai vụ thì họ thấy uổng, nên họ vận động đắp đê, đập để làm vụ thứ ba. Ở những chỗ này, họ làm ba vụ và không để đất nghỉ. Thêm vào đó, mặc dù có những hướng dẫn của ngành nông nghiệp, nhưng có những nông dân vẫn tin là họ làm tốt hơn. Họ cho rằng bón phân như hướng dẫn không có tác dụng gì khác. Họ thấy, nếu bón riêng phân đạm, cây lúa lại xanh hơn là làm giống như theo hướng dẫn, tức là bón đầy đủ các loại phân NPK, cộng với phân hữu cơ.
Đây là số ít, nhưng họ lại làm rất mạnh, tuy nhiên, họ chỉ làm được năng suất cao trong mấy năm đầu thôi. Như thế, họ làm hại chính đất của họ.
Trong khi đó, những người nông dân biết kỹ thuật, thì vẫn duy trì được năng suất, mà không phải tốn kém nhiều, như mấy anh bên Tân Hiệp mà tôi vừa nói.
Điểm thứ nhất là, những người này luôn luôn dùng giống lúa « xác nhận », chứ họ không dùng giống lúa của mùa trước. Điểm thứ hai là, họ bón phân rất là cân đối, với NPK, nơi nào thiếu ma-nhê thì bón thêm, theo sát hướng dẫn. Đến khi thu hoạch rồi, họ để đất cho phù sa vào bồi dưỡng thêm cho đất. Giá thành sản xuất một kilogram lúa đối với những người này thấp hơn những người ham bón nhiều phân.
Một số nông dân hiện nay bắt đầu đi theo nông nghiệp sinh thái rất tài tình. Những người ở ven biển, có đất phù sa bị nhiễm mặn, họ chỉ làm được một vụ lúa trong mùa mưa. Khi họ làm xong vụ này rồi, thì họ đưa tôm vào trong ruộng lúa để làm thêm một hoặc hai vụ tôm. Tôm sinh sống trên ruộng lúa một, hai tháng trước, nó rất sung sướng sống trong nước mặn, nó được bồi dưỡng bằng các thức ăn phù hợp, từ đó nó cũng để lại một số dưỡng chất. Hệ thống lúa-tôm là một hệ thống rất nổi tiếng của đồng bằng sông Cửu Long.
RFI : Vừa rồi giáo sư cho biết lối canh tác lúa – tôm, tức là thuộc một trong năm loại đất chủ yếu của đồng bằng Cửu Long, giáo sư có thể đưa thêm một ví dụ khác được không ?
Võ Tòng Xuân : Tôi lấy ví dụ về vùng đất phù sa ven sông. Bây giờ, thay vì chỉ làm hai vụ thì có nơi, thêm một vụ đậu nành hoặc đậu xanh, bắp. Vụ này dùng nước thủy lợi để tưới. Khi thu hoạch, họ để lại xác đậu nành trong đất, để sau đó đến vụ hè thu dùng để làm đất, như vậy có rất nhiều đạm.
RFI : Theo giáo sư, có một vấn đề là, làm thế nào để thay đổi được việc người trồng lúa không thực hiện đúng các quy trình được thẩm định về mặt khoa học, theo phương thức canh tác sinh thái bền vững.
Võ Tòng Xuân : Chỉ có một cách để ghép họ vô trong cái khuôn đúng kỹ thuật, là phải tập trung họ lại để họ đồng lòng sản xuất ra một loại nguyên liệu, hoặc một sản phẩm để cho các doanh nghiệp sử dụng. Thí dụ, như bây giờ, tránh tình trạng mỗi người mạnh ai nấy làm, thì có thể tập trung họ lại, cùng giải thích về một quy trình sẽ làm. Từ đó họ sẽ làm theo. Nhưng phải có một doanh nghiệp mua sản phẩm này. Như thế người ta sẽ làm đúng theo kỹ thuật được khuyến cáo. Còn nếu không như thế, thì nếu họ tự làm, thì không những họ làm hư cho họ, mà họ còn làm hại cho môi trường, đất, không khí, sâu bệnh nó sẽ lây lan sang nơi khác.
RFI : Câu hỏi cuối cùng xin được hỏi giáo sư liên quan đến các đập thủy điện có kế hoạch được xây trên dòng Mê Kông. Giáo sư đánh giá như thế nào về tác động của chúng ? Có ý kiến cho rằng, việc này sẽ báo tử cho nông nghiệp đồng bằng sông Cửu Long.
Võ Tòng Xuân : Báo tử thì cũng chưa phải, nhưng nó sẽ ảnh hưởng rất lớn. Tại vì các đập sẽ chặn phù sa lại. Thứ hai là các nguồn thủy sản bị chặn lại. Nhưng cái nguy hiểm lớn nhất là dứt khoát nông nghiệp sẽ bị thiếu nước. Như thế mình sẽ phải chuyển sang những cây khác, như thế, nó có thể ảnh hưởng lớn tới lương thực của mình. Bên cạnh đó, các nước như Philippines, Indonesia hay Phi Châu sẽ không còn nguồn gạo giá rẻ mua từ Việt Nam.
Trước đây ở Lào, đã có xây các đập trên những sông nhánh, như đập Nam Nghinh, Nam Thinh, vì ở sông nhánh nên không có tác dùng gì nhiều. Nhưng các đập mới này xây trên dòng chính, nên phải nghiên cứu kỹ tác động của đập đến môi trường. Tới nay, tôi biết là người ta đã làm báo cáo đó rồi, nhưng Ủy ban sông Mê Kông với phía Lào vẫn giữ nguyên bí mật. Đây là điều mờ ám. Tôi nghĩ rằng dư luận trên thế giới cần phải phanh phui ra để chúng ta có thể thảo luận thật kỹ.
RFI : Xin chân thành cảm ơn giáo sư Võ Tòng Xuân.
Nguồn: RFI