Đại diện từ gần 200 quốc gia đã tụ hội về Durban, Nam Phi, dự Hội nghị Liên Hiệp Quốc (LHQ) về biến đối khí hậu, kéo dài 12 ngày bắt đầu từ thứ Hai, 28/11.
Hồi tháng 2, Ngân hàng Thế giới 44 triệu người tại các nước đang phát triển đã bị rơi vào tình trạng nghèo đói khốn cùng do kết quả của giá lương thực tăng cao. Mưa bão tại Đông Nam Á cũng đẩy giá gạo tại Thái Lan và Việt Nam lên cao. Vào tháng Chín và tháng Mười, giá gạo cao hơn so với năm ngoái 25-30%.
Trong cuộc phỏng vấn với BBC Việt Ngữ, bà Lê Nguyệt Minh, thuộc Oxfam Việt Nam, cho biết biến đổi khí hậu đã có tác động đến việc sản xuất, đến lưu thông và nguồn cung ứng của thị trường, và tình trạng khí hậu khắc nghiệt có ảnh hưởng đến mùa màng, gây tâm lý không tốt cho người tiêu dùng.
Tuy nhiên vấn đề quan trọng là bản thân chính phủ các nước đã tác động đến vấn đề lưu thông hàng hóa và trấn an tâm lý của người tiêu dùng như thế nào, chứ biến đổi khí hậu không phải là nguyên nhân duy nhất dẫn tới gia tăng giá lương thực.
Khó khăn
Theo Oxfam Việt Nam, Việt Nam trong thời gian qua đã có rất nhiều nỗ lực trong việc nâng cao nhận thức của người dân, đưa vấn đề biến đổi khí hậu vào các hoạt động hàng ngày , tuy nhiên một trong những khó khăn hiện này là cần đặt đúng trọng tâm, bà Lê Nguyệt Minh giải thích.
"Nếu không đặt đúng trọng tâm thì các nỗ lực sẽ chỉ như thêm vào chứ không thực sự tập trung nguồn lực vào giải quyết những vấn đề cơ bản nhất, mà thay vào đấy chính phủ hay chính quyền địa phương lại coi là đây là một cơ hội có thêm tiền để chúng tôi làm các dự án khác và như thế sẽ là một sai lầm."
"Như thế sẽ không có được tiếng nói của cộng đồng, không chuẩn bị được cho cộng đồng tham gia vào và như thế lại là phản tác dụng. Và như vậy có bao nhiêu nguồn tiền đem vào từ bên ngoài đi chăng nữa thì cũng sẽ không thể đem lại hiệu quả," bà Lê Nguyệt Minh nói thêm.
Theo Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, thuộc khoa Quản lý Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên của trường Đại học Cần Thơ, Việt Nam là trong số những nước chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.
Đó là vì Việt Nam nằm trong khu vực nhiệt đới gió mùa, chịu nhiều ảnh hưởng của bão tố.
Tuy vậy, đang có những hoạt động nâng cao nhận thức của cộng đồng về tác động của biến đổi khí hậu.
Cũng có những nỗ lực đầu tư kinh phí từ phía chính phủ và các tổ chức phi chính phủ tại Việt Nam trong thời gian qua để đương đầu với những thách thức này.
Ngoài khó khăn vì tính chất khó lường của biến đổi khí hậu, tức những yếu tố tự nhiên, thì "còn có những tác động của con người mà nhiều khi vượt ra ngoài tầm kiểm soát của mình như sự hình thành của con đập ở trên sông Mekong," ông Lê Anh Tuấn nói thêm.
"Những sự vận hành đó rất khó có thể tiên đoán được và những rủi ro sẽ là như thế nào. Đó là những thử thách mà người dân đồng bằng sông Cửu Long bắt đầu nhận thức được và sẽ phải giải quyết," ông Tuấn nói.
Một trong những mục tiêu của Hội nghị LHQ về Biến đổi khí hậu tại Durban, Nam Phi, lần này là cắt giảm khí thải nhà kính và kích hoạt một ngân sách dự trù giúp các nước nghèo.
"Ngân sách Khí hậu Xanh" sẽ cung cấp tới 100 tỷ đô la Mỹ mỗi năm từ này tới năm 2020 cho các nước có nhiều khả năng bị ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu.
Nguồn : bbc.co.uk