Canxi (Ca) chiếm tới 30% trong thành phần các chất khoáng của cây. Vôi cung cấp canxi cho cây trồng.
Vôi còn có tác dụng cải tạo đất chua mặn. Vôi tạo điều kiện cho vi sinh vật có ích trong đất hoạt động tốt thúc đẩy quá trình phân giải chất hữu cơ trong đất.
Vôi làm tăng độ hoà tan các chất dinh dưỡng của cây và tăng khả năng hấp thụ các chất dinh dưỡng cho cây.
Vôi có khả năng tiêu diệt một số loài sâu bệnh hại cây. Vôi khử độc cho cây khi trong đất có thừa các nguyên tố Fe, Al, H2S.
* Vôi nghiền:
Đó là trạng thái nghiền thành bột của các loại: đá vôi, vỏ ốc, vỏ sò hến v.v.. Đây là dạng vôi bón ruộng được sử dụng phổ biến. Bột vôi nghiền chứa 50 – 80% chất vôi, ngoài ra còn có một ít Mg.
Vôi nghiền có tác dụng chậm, nên thường được dùng để bón lót lúc làm đất chuẩn bị gieo trồng cây. Lượng vôi nghiền thường dùng là 1 – 3 tấn/ha, tuỳ thuộc vào độ chua và kết cấu của đất.
Ở các chân đất sét, vôi nghiền thường được bón một lần với lượng lớn. Sau đó vài năm, lại bón lần khác. Ở các chân đất cát, vôi nghiền thường được bón hàng năm, nhưng với lượng ít hơn. Khi bón vôi nên kết hợp bón với phân chuồng, phân hữu cơ để làm tăng hiệu quả của cả 2 loại phân.
Không nên bón vôi cùng với bón đạm, vì như vậy sẽ làm đạm bay vào không khí mất.
* Vôi nung:
Đó là vôi được nung từ CaCO3 để tạo thành CaO. Vôi nung hút nước tạo thành vôi bột rồi được sử dụng để bón ruộng. Vôi nung có tác dụng nhanh hơn vôi nghiền.
Vôi nung dùng để xử lý đất, phòng trừ sâu bệnh hại cây. Chú ý là khi sử dụng vôi nung để bón vào đất đã có cây đang phát triển, cần rất cẩn thận vì vôi nung có tác dụng gây hại cho cây khi tiếp xúc trực tiếp với cây.
* Thạch cao:
Đó là dạng sunphat canxi ngậm nước. Đây là một dạng đặc biệt của vôi có tác dụng nhanh.
Thạch cao phát huy hiệu quả cao ở giai đoạn cây đang tạo quả, lạc đang đâm tia xuống đất.
Lượng bón thạch cao thông thường là 200 – 300 kg/ha.